top of page

TRONG KHI CHỜ TRÀ NGUỘI (Kỳ 3)

  • Writer: ductungducnguyen
    ductungducnguyen
  • Mar 31
  • 3 min read

Nguyễn Đức Tùng

Z: Xin chào. Hôm nay trông cô khỏe khoắn.

M: Tôi không khỏe tí nào.

Z: Cô có muốn uống một tí trà nóng không?

M: Lúc nào cũng trà. Sao ông không mời tôi một thứ gì khác?

Z: (im lặng).

M: Tại sao đàn ông không bao giờ biểu hiện những xúc cảm của mình? Ý tôi nói là biểu hiện một cách thành thật.

Z: Có phải đó là thực tế đang xảy ra trong xã hội hay không?

M: Không. Tôi từng bị tổn thương vì những người đàn ông không nói rõ họ suy nghĩ cái gì và họ muốn cái gì.

Z: Ví dụ?

M: Một anh chàng đem lòng yêu tôi đến mười năm, mãi sau này tôi mới biết, khi mọi chuyện đã trễ.

Z: Nếu biết sớm thì cô có lấy người ấy không?

M: Không

Z: Vậy cô cần biết điều ấy để làm gì?

M: Tôi không biết. Phải có một lí do. Ví dụ để thỏa mãn cái tôi của mình. Tôi phải làm đầy cuộc sống.

Z: Bằng cách nào?

M: Yêu đương. Giận dữ. Ganh tị. Tò mò. Nói xấu. Làm hòa. Tha thứ. Kết bạn. Chia tay. Những thứ ấy làm cho đời sống đỡ buồn chán.

Z: Cô buồn chán?

M: Mọi người đang buồn chán. Ông không thấy sao?

Z: Có thể đúng. Cô lập gia đình đã lâu chưa?

M: Tôi không bao giờ lập gia đình. Không có chồng và con. Chúng tôi sống như những người bạn, gần như vợ chồng, nhưng không có cam kết.

Z: Sống chung nhưng không hứa hẹn. Mỗi người giữ một tài khoản riêng. Chia sẻ trách nhiệm về tiền bạc.

M: Đúng vậy. Và tôi thấy thoải mái vì cách sống như vậy .

Z: Một nửa phụ nữ và đàn ông hiện nay đều chọn cách sống ấy, và ngày càng tăng lên.

M: Bác sĩ có phản đối điều ấy không?

Z: Không. Tôi không bảo thủ như vậy. Tôi cho rằng mọi người đều có quyền tự do chọn lựa, miễn là không ảnh hưởng tới người khác.

M: Không ảnh hưởng tới người khác?

Z: Cũng không hẳn như thế. Nếu cô là con một và cha mẹ cô muốn có cháu nối dõi thì không thể nói là quyết định không có con của cô không ảnh hưởng tới họ.

M: Nhưng con người phải sống chính cuộc đời mình.

Z: Chính vì không thể bắt buộc được, nên kì vọng mà người này đặt lên người khác trở thành một thứ áp lực, đôi khi hết sức gay gắt. Con người trở nên lo âu vì thế.

M: Tôi là một người lo âu.

Z: Cô có thích biểu hiện các xúc cảm của mình không?

M: Có. Nhưng Kevin thì không. Kevin là partner của tôi.

Z: Anh ấy có tử tế với cô không?

M: Anh ấy rất tử tế. Nhưng tôi không tử tế với anh ấy. Tôi la lối om xòm khi nổi giận. Tôi ném chìa khóa vào muỗng nĩa vào anh ấy khi không làm chủ được.

Z: Điều gì làm cho cô dễ bị kích thích, nổi giận?

M: Áp lực của cuộc sống. Hơn thế nữa, ở bất kì một nơi nào mà con người sống không có áp lực thì tôi nhận ra sự giả dối ở đó.

Z: Tức là con người chỉ có thể ở một trong hai trạng thái: hoặc là đau khổ vì áp lực hoặc là tạm thời sung sướng vì giả dối?

M: Đúng thế.

Z: Cô có muốn thoát ra khỏi tình thế lưỡng nan đó không?

M: Tôi muốn. Tôi không muốn làm tổn thương ai cả. Nhưng cuộc đời làm tổn thương tôi.

Z: Cuộc đời làm tổn thương tôi? Hãy đảo ngược câu ấy lại. Tôi làm tổn thương chính tôi?

M: Tôi làm tổn thương chính tôi. Không có một người nào khác. Tôi làm tổn thương người yêu của tôi.

Z: Tổn thương sinh ra vì nhu cầu muốn được chú ý. Nhưng chúng ta tạm dừng lại ở đây. Trà của cô đã sẵn sàng.

M: OK.

(còn tiếp)

Comments


© 2024 by Nguyen Duc Tung

bottom of page