top of page

TĨNH LẶNG GIỮA THỊ PHI: THIỀN LUẬN TỪ LỜI NÓI CỦA SƯ MINH TUỆ

  • Writer: ductungducnguyen
    ductungducnguyen
  • Apr 22
  • 5 min read

“Ai, con cũng đều mong cho họ được tốt đẹp và hạnh phúc. Nếu họ tố cáo con mà khiến cho họ được vui vẻ, hạnh phúc, thì họ cứ làm, con không có ý kiến gì cả"- Sư Minh Tuệ.

Giữa một xã hội ồn ào bởi tiếng nói tranh biện, nơi ai cũng muốn phân định đúng sai, lời nói của Sư Minh Tuệ vang lên như một làn gió mát thổi qua tâm hồn khô cằn vì chấp ngã.

Không cần biện hộ, không cần minh oan, không cần chống trả, mà chỉ có lòng mong người được an vui, dù người ấy đang hiểu lầm, đang vu khống, đang gây thương tổn cho chính mình.

Đó không phải là sự cam chịu, cũng không phải là sự nhẫn nhục mang tính hình thức. Đó là tiếng nói phát ra từ chiều sâu của một nội tâm đã thực sự vượt khỏi lằn ranh của “tôi” và “người”, “đúng” và “sai”, “tốt” và “xấu”.

Từ bi không chọn lựa

Trong đạo Phật, từ bi là tâm nguyện cho mọi loài được an vui, thoát khổ. Nhưng lòng từ bi thường dễ bị giới hạn bởi tình cảm cá nhân – ta dễ thương người yêu mình, khó thương người hại mình.

Chính ở nơi đó, chân tâm mới lộ diện: khi ta có thể hướng lòng từ đến cả những người đang làm tổn thương ta.

Sư Minh Tuệ không nói rằng người tố cáo mình là đúng hay sai. Ngài không cần phải khẳng định mình vô tội, cũng không cần người khác bênh vực. Bởi vì điều duy nhất mà ngài quan tâm là hạnh phúc của người kia.

Nếu sự tố cáo ấy – dù đúng dù sai – có thể mang lại niềm vui, có thể làm vơi đi nỗi khổ của họ, thì hãy cứ để nó xảy ra. Ngài không phản đối, không ngăn cản, không lên tiếng.

Đó là sự hóa thân của tâm từ bi vô ngã. Đó là một lời nguyện thầm lặng: “Con xin là đất để người đạp lên mà đi, miễn là người bớt đau khổ.”

Thông thường, khi bị xúc phạm hay vu oan, bản năng tự vệ sẽ khiến ta lên tiếng. Ta phải nói cho rõ, ta phải minh bạch, ta phải giữ danh tiếng, danh dự, lẽ phải. Nhưng ở đây, Sư Minh Tuệ không giữ gì cả.

Ngài buông bỏ cả “tôi là ai”, “tôi đúng hay sai”, “người kia sai hay đúng”. Tất cả chỉ là những khái niệm do tâm tạo tác.

Trong ánh sáng của trí tuệ Bát-nhã, ngài thấy rõ: không có ai để bị hại, không có ai để được bênh vực. Tất cả chỉ là hiện tượng, duyên khởi, sinh rồi diệt. Cái tôi bị tổn thương kia không có thật.

Cái danh bị sứt mẻ kia cũng không thật. Chỉ có một dòng tâm thức đang trôi chảy, đang học buông, đang học thương yêu, đang học lặng thinh.

Buông bỏ không có nghĩa là đầu hàng. Buông bỏ là một hành động chủ động, can đảm. Buông bỏ là để không mang thêm nghiệp lực. Là để không tiếp tục quẩn quanh trong vòng nhân – quả – phản ứng. Là để tâm được nhẹ, được tự do, được thanh thản như mây trắng giữa trời xanh.

Xả ly và sự tự do nội tâm

“Con không có ý kiến gì cả” – câu nói ấy, thoạt nghe như dửng dưng. Nhưng thật ra, đó là đỉnh cao của sự xả ly. Khi không còn ý kiến, ta không còn dính mắc.

Khi không còn phải đúng, không còn phải được thừa nhận, được minh oan, được bênh vực – chính là lúc tâm đã đạt đến tự do nội tại.

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:

"Như tảng đá kiên cố

Không gió nào lay động

Người trí cũng như vậy

Không dao động giữa khen chê.”

Cái gió ở đây chính là lời tố cáo. Gió ấy thổi đến từ nhiều hướng – xã hội, truyền thông, định kiến. Nhưng nếu tâm là tảng đá, thì gió ấy không còn khả năng xô lệch. Tảng đá ấy chính là tâm đã định, đã từ, đã xả, đã không còn cái ngã để bảo vệ.

Làm đất cho người đi

Có một hình ảnh đẹp trong kinh điển: đất. Đất là biểu tượng của sự bao dung. Người ta vứt lên đất những gì ô uế, rác rưởi, nhưng đất không giận, không oán, không đẩy lùi. Đất vẫn nuôi cây, nuôi người, nuôi hoa, nuôi quả.

Tâm của người hành đạo, nếu đủ lớn, sẽ giống như đất. Nhận lấy cả lời khen lẫn tiếng chê, cả lòng thương lẫn sự hiểu lầm, cả hoa thơm lẫn gai nhọn – mà không dao động, không vướng bận, không phân biệt.

Lời nói của Sư Minh Tuệ là biểu hiện của tâm đất ấy. Một tâm đã biết rõ bản chất của mọi hiện tượng là vô thường, biết rõ khổ đau của con người đến từ chính sự chấp trước vào danh, lợi, ngã và pháp. Và vì biết rõ như thế, ngài chọn im lặng mà thương, lặng lẽ mà bao dung.

Giữa thời đại mà ai cũng muốn lên tiếng để giành phần đúng, phần sạch, phần cao, phần sáng – lời nói của Sư Minh Tuệ là một tiếng chuông tỉnh thức. Không cần tranh cãi.

Không cần thanh minh. Không cần trả đũa. Chỉ cần mở lòng ra, đủ lớn để ôm lấy cả những vết thương, những vu oan, những tiếng chê bai – như đất ôm trọn mùa xuân và cả mùa rác rưởi.

Trong sự lặng thinh ấy, một điều kỳ diệu đang diễn ra: người tu hành không chỉ đang tu cho mình, mà đang gánh lấy một phần khổ đau cho thế gian, bằng sự nhẫn nại và lòng từ bi không điều kiện.

Đó không phải là sự yếu đuối. Đó là dũng lực của một trái tim đã vượt lên bản ngã, vượt lên danh tiếng, vượt lên đúng sai. Trái tim ấy chỉ còn một mong ước duy nhất:

“Nguyện cho tất cả đều được an vui, kể cả người đang ghét bỏ ta.”

Và như thế, dù bị tố cáo, dù bị hiểu lầm, người ấy vẫn bình thản bước đi trên con đường Đạo, để lại phía sau mình một dấu chân tĩnh lặng – mà hương từ bi cứ âm thầm lan tỏa.


nguồn: FB Lê Thọ Bình

Kommentare


© 2024 by Nguyen Duc Tung

bottom of page