DƯƠNG DIÊN HỒNG ĐỌC THƠ HAIKU NGUYỄN ĐỨC TÙNG
- ductungducnguyen
- Jan 6
- 4 min read

Không hiểu sao hồi này Face Book có duyên với Dương Diên Hồng lia lịa:)) Đây là một bài chị viết về thơ Haiku của tôi, ngày 20 tháng 12, cách đây ba năm.
NĐT
Bình ngăn ngắn :
GIẤC MƠ ĐÊM MƯA.
Hôm nay đọc Haiku 13 NĐT, mình thấy thú vị:
“Giấc mơ của anh
Đêm mưa
Kể cho em nghe một nửa”
(My dream
Night rain
Telling you only a half)
* Một nửa - ở đây - quan trọng hơn toàn bộ:
Giấc mơ nào - xét về thực tế tâm lý - chưa bao giờ trọn vẹn, có đầu có cuối...Nó luôn rời rạc, dang dở trong tiềm thức sau khi người mơ tỉnh dậy...
Nếu nói kể đủ cho em nghe về giấc mơ là nói xạo. Ở đây - người kể - từ đầu- đã rất chân thật, tạo ấn tượng đẹp cho phát ngôn đáng tin, đáng trân trọng của lời Thơ.
Và hàm ý cụm từ “một nửa “ còn gợi ra biểu tượng quan niệm có tính nhị nguyên mà người đọc có quyền liên tưởng: “ Một nửa của người đàn ông là người đàn bà”, khiến ta suy ngẫm thêm về lời nói của người kể - nhân vật anh - luôn trân quý em - nếu có một phần nguyên - dù ảo hay thực - cụ thể hay trừu tượng - cũng đều muốn chia đôi, san sẻ cùng em. Kể cho em “ một nửa”là cách nói vừa định lượng vừa định tính. Một nửa không kể đó là phần còn lại trong sự riêng tư của anh, mơ hồ và phiền toái đối với em và có thể đó là những dang dở trong mơ mà cả đời anh khao khát về em, chưa nói hết thành lời. Đó là một nửa khiến tình càng đẹp, càng lung linh trong một giấc mơ không trọn...
Kể cho em về “ đêm mưa” là kể chuyện gì?
Cụm từ “ đêm mưa” là một mật mã của bí ẩn Thơ. Nếu thi sĩ vận dụng “ điển tích”để thể hiện hàm ý thì đêm mưa gợi ra những dai dẳng của không gian buồn, giữ chân người về:
“ Vũ vô kiềm toả năng lưu khách”
( mưa không then khoá mà vẫn có khả năng giữ khách).
Điển tích này liên quan đến câu đối của Nguyễn Giản Thanh , một vị trạng nguyên dưới triều Lê Uy Mục...
Dĩ nhiên việc viện dẫn chuyện kể “Đêm mưa” này đi quá xa vấn đề. Nhưng người bình muốn mở rộng liên tưởng đến một trường nghĩa không giới hạn từ sức gợi của một cụm từ: “ Đêm mưa”. Cái logic của câu chuyện “ đêm mưa” này liên quan đến vế thứ hai đối với câu thơ “ vũ vô kiềm toả năng lưu khách” là :” sắc bất ba đào dị nịch nhân”( Cái sắc đẹp của phụ nữ, không phải là làn sóng nổi, nhưng dễ nhận chìm người). Từ đó, thì tạm chấp nhận chuyện của “ đêm mưa” là chuyện mang tính triết lý về những “ đêm mưa” thế nhân và cái trói chân của cuộc sống dành cho đàn ông không chỉ là sự cản trở của hoàn cảnh mà còn là sóng mắt mỹ nhân khiến cõi lòng dâng lên con sóng ba đào, nhấn chìm tất thảy, kể cả những giấc mơ chưa thành hình...
Nhưng nếu ta chỉ cần nghĩ đơn giản: “ đêm mưa” là một biểu tượng trong giấc mơ, tiềm ẩn những hình ảnh quá khứ được cất trong tiềm thức của nhà thơ, thì chuyện “ đêm mưa” chắc chắn có liên quan đến kỷ niệm cùng em. Có cái khao khát không trọn vẹn mà anh luôn mơ về em. Một nửa anh không kể cũng là để cho riêng anh được cất riêng những kỷ niệm đẹp về mối tình dang dở...
Chính vì dang dở mà tình yêu luôn đẹp...
Sức nén của bài Hai- Ku 13 đã hoá bướm cho bài thơ rất mộng mị
về câu chuyện tình ngắn gọn mà đẹp!
•••••••••••••••••••••••••••••••••
* Chú thích thêm Giai thoại về câu đối “ Đêm mưa”đã nêu trong bài bình: Nguyễn Giản Thanh, vị trạng nguyên đời Hậu Lê, lúc còn đi học, thầy học là Đàm Thuận Huy, thấy học trò sắp ra về thì trời đổ mưa to, học trò không về được, thầy bèn ra vế đối để thử tài học trò:
Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách (雨無鈐鎖能留客 - Mưa không có then khóa mà có thể giữ được khách).
Nguyễn Giản Thanh liền đối lại là:
Sắc bất ba đào dị nịch nhân (色不波濤易溺人 - Cái sắc đẹp của phụ nữ, không phải là làn sóng nổi, nhưng dễ nhận chìm người).
Thầy Đàm Thuận Huy nói:
Câu đối này thật hay và thật chỉnh, văn khí này có thể đậu Trạng nguyên, nhưng về sau coi chừng việc sắc dục làm hại sự nghiệp
Comments