MINH TUỆ NGỮ LỤC XXI
- ductungducnguyen
- Feb 24
- 10 min read

Biên Soạn: Phạm Hiền Mây
******
01.
Sợ chết, là do vô minh.
**
02.
Nếu mình biết con đường của Phật rồi, thì nên chỉ cho hết thảy người thân mình cùng được biết.
**
03.
Vọng tưởng là do dục tham.
**
04.
Nhiếp phục dục tham
Chạy theo chánh kiến
Tu giới định tuệ
Sẽ hết vọng tưởng
**
05.
Tham ái sinh sầu ưu
Tham ái sinh sợ hãi
Ai thoát khỏi tham ái
Không sầu, đâu sợ hãi
**
06.
Tham sân si gây ra sợ hãi.
**
07.
Thức ăn của vô minh gây ra sợ hãi.
**
08.
Muốn hết sợ hãi thì cố gắng tu thành A La Hán.
**
09.
Nếu không tu, thì ta cũng sẽ giống như chiếc lá rơi kia, tái sinh vào kiếp sau, và lại tiếp tục sợ hãi, sầu lo.
**
10.
Nếu biết đặt niềm tin vào Đức Thế Tôn, và tu hành, tập học, thì sẽ hết sợ hãi.
**
11.
Hãy nói với bạn đời, dục tham là khổ đau, yêu ghét cũng khổ đau. Chúng ta cùng giữ giới, cùng tu hành, cùng nghe lời Phật dạy, cùng theo con đường chánh kiến, chánh tư duy, giới định tuệ. Cả mình và bạn đời, sẽ giải thoát.
**
12.
Bạn đời của mình, sau này, bị già chết hay bệnh chết, mình đừng quá sầu đau.
**
13.
Có đức tin sẽ có tinh tấn. Có tinh tấn thì sẽ có niệm lực. Có niệm lực sẽ có định lực. Có định lực thì sẽ có tuệ lực.
**
14.
Có tuệ lực thì sẽ giải thoát, xóa được vô minh.
**
15.
Sống xả bỏ, buông bỏ dục tham, từ bi hỉ xả, tha thứ, thương yêu mọi người, tập học cho tinh tấn, có chánh kiến, tu thiền, tất sẽ được giải thoát.
**
16.
Phải tin vào Như Lai, và phải kiên trì tu học, không một phút nghỉ ngơi thì mới thành tựu.
**
17.
Quán niệm thân thọ tâm pháp, tứ niệm xứ, bát chánh đạo, tu thiền, sẽ diệt được tham sân si.
**
18.
Thường thì ta chỉ cho người thân thiết những thứ quý giá. Bây giờ, thứ quý giá ấy, mình mang đến cho kẻ ghét mình. Bao giờ tập được như vậy thì thành tựu.
**
19.
Nếu tham sân si mà diệt được dễ dàng, thì đâu ai cần đi tu chi nữa.
**
20.
Chưa diệt được tham sân si, là do giới của mình giữ chưa tốt.
**
21.
Cần có niềm tin vào Như Lai, phát nguyện và tập học, rèn luyện, khổ hạnh không ngừng, lâu dài, thì mới có thể buông bỏ được tham sân si.
**
22.
Tập học, rèn luyện, tu hành, cần phải có thời gian và sự kiên trì. Giống như người làm ruộng, hôm nay mới gieo, mà mai đã đòi ăn rồi, làm sao được.
**
23.
Y màu vàng, tượng trưng cho những vị tu chứng đạt thành đạo A La Hán.
**
24.
Y màu vàng, còn gọi là y ruộng phước điền, màu của cánh đồng lúa chín.
**
25.
Quấn y vàng, có nghĩa là, vị ấy đã tu thành tựu rồi, có thể hái gặt được rồi, sử dụng được rồi.
**
26.
Y trắng, ruộng chưa cày xới. Y xanh, chưa chín. Người quấn y này còn đang tập học.
**
27.
Y áo con đang mặc đây, là y đang tập học. Y này được may từ những mảnh vải vụn, nhặt ở ngoài đường.
**
28.
Y này, ngoài việc thể hiện con đang tập học, chưa thành tựu, thì còn tránh cho con không làm ảnh hưởng tới ai, không đắc tội với ai.
**
29.
Y này, nhắc nhở cho con biết, công đức con chưa có gì cả.
**
30.
Y này nhắc con rõ phận mình, biết phận mình, nhắc con siêng năng, tinh tấn, học ngày học đêm.
**
31.
Đủ duyên, con sẽ đủ xứng đáng để khoác y màu vàng, y của bậc A La Hán.
**
32.
Khi chứng quả, vị ấy khắc sẽ biết. Giới hạnh của họ, định của họ, trí tuệ của họ, tâm minh của họ - siêu việt.
**
33.
Một vị chứng quả, sẽ có được Mười Như Lai Lực, Bốn Vô Sở Úy, Mười Tám Pháp Bất Cộng.
**
34.
Một vị chứng quả, thấy hết được cả quá khứ lẫn vị lai, không gì là họ không biết.
**
35.
Riêng những vị chỉ thành tựu ở một mặt nào đó, như ngài Sariputta chẳng hạn, Đệ Nhất Trí Tuệ, chưa toàn diện, thì ngài sẽ không biết mình chứng quả.
**
36.
Bậc Chánh Đẳng Giác, khi biết mình đủ công hạnh, thành tựu, họ sẽ nói ra.
**
37.
Đã chứng quả Như Lai, nghĩa là vị ấy không còn sân nữa, sẽ tự mình nói cho chúng biết.
**
38.
Con còn đang tập học, con chưa có thành tựu gì, và con vẫn còn nhiều sân si, nên con không dám nhận mình là thánh nhân.
**
39.
Người biết hết, không còn gì không biết nữa, là người không còn tham sân si, họ là Như Lai, và họ chứng giải thoát.
**
40.
Tu hành và chứng quả, không quy định số năm.
**
41.
Có vị đã tích lũy được công hạnh từ nhiều đời nhiều kiếp, đến đời này, họ giải thoát.
**
42.
Thời Đức Phật, có ngài, chỉ sau bảy ngày thôi, đã đắc quả A La Hán, như ngài Moggallana - Mục Kiền Liên.
**
43.
Cũng lại có ngài, vừa nghe Đức Phật khai thị xong, nhập niết bàn ngay, đó là vị đệ tử cuối cùng của Đức Phật - A Nan.
**
44.
Được chứng quả chỉ trong bảy ngày, hay thậm chí, chưa hết một ngày, là do, các vị ấy, họ đã được bồi bổ từ nhiều đời, nhiều kiếp trước. Đến đời này, họ đủ duyên, đủ các ba la mật, thì họ giải thoát.
**
45.
Có nhiều quả vị giải thoát khác nhau, ví dụ như quả Dự Lưu, chỉ cần đạt Định thôi, thì cũng giải thoát rồi. Nhưng họ không biết họ đã giải thoát.
**
46.
Quả Nhất Lai, quả Bất Lai, cũng giải thoát.
**
47.
Quả A La Hán, quả Bích Chi Phật, cũng giải thoát.
**
48.
Quả Như Lai Chánh Đẳng Giác, là quả giải thoát tối thượng. Chỉ đắc quả này, họ mới biết hết. Họ biết mình đã đắc quả và không gì mà họ không biết.
**
49.
Không một quả vị nào được quy định bởi số năm tu hành. Có nhiều vị, do họ tu đã từ nhiều đời trước, nhiều kiếp trước, đến đời này, đủ công hạnh, họ đắc quả.
**
50.
Như con hiện nay, đang phát nguyện tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, là con phải tu nhiều a tăng kỳ kiếp lắm, mới có thể thành.
**
51.
Đời này con không thành, thì có thể đến một đời nào đó, chẳng hạn, đời sau, đời sau nữa, tu hành đủ công hạnh, con sẽ chứng đắc.
**
52.
Vì con biết, đời này, con cũng chưa thể thành tựu, nên con mới chọn pháp tu khổ hạnh Đầu Đà. Con nguyện sẽ hộ trì chánh pháp, nguyện tập học theo lời Phật dạy, bòn mót được chút công đức nào, con hồi hướng hết cho quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
**
53.
Đủ công hạnh, đủ duyên, con mới thành. Đời này, là không thể thành rồi. Trong kinh, Đức Phật cũng có nói, khi thế giới được tám vạn tuổi, thì Đức Phật vị lai, Di Lặc - Maitreya mới ra đời.
**
54.
Đời này mà đạt, thì chỉ đạt quả A La Hán hoặc Bích Chi Phật thôi.
**
55.
Muốn đạt quả vị giải thoát trong đời này, chúng ta cần phải nghe giáo pháp, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, ba mươi bảy phẩm đạo của Phật dạy.
**
56.
Những vị tu với mục đích giải thoát như vừa nói trên, có chứng đắc ngay khi đang tại thế, thì họ cũng không biết.
**
57.
Chỉ duy nhất vị tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, thì mới biết rõ, mình đã chứng quả thôi.
**
58.
Như con hiện nay, con cũng không biết con là ai, nhưng mục đích, nhiệm vụ tu hành của con là gì, thì con biết.
**
59.
Lúc con mới bắt đầu tu, con phát nguyện tu thiền định, hướng tới quả vị giải thoát, giải thoát mình ra khỏi mọi khổ đau, và niết bàn, không dính líu, không liên quan tới ai.
**
60.
Khi con đi sâu vào nghiên cứu kinh điển, thì con quyết định từ bỏ con đường giải thoát, niết bàn cho cá nhân mình.
**
61.
Con tu hành rốt ráo hơn, thực hành tâm từ bi to lớn, tích lũy công hạnh, và phát nguyện tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
**
62.
Con thực hành rải tâm từ bi, với mong muốn gieo duyên tập học, cho đến một đời nào đó, đủ công hạnh, thì con sẽ đạt quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
**
63.
Con theo hạnh nguyện Bồ Tát tu thành Vô Thượng Đạo.
**
64.
Con không phát nguyện tu thành hàng Thanh Văn, hay Bích Chi Phật, quả giải thoát Dự Lưu.
**
65.
Khi phát nguyện tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, con biết rõ, con đường này rất gian nan.
**
66.
Khi phát nguyện tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, con biết rõ, con sẽ phải trải qua thử thách, rèn luyện về sức chịu đựng, kham nhẫn để thực hành tâm từ bi to lớn.
**
67.
Trên bước đường tu tập, con có thể sẽ bị giết, bị móc mắt, chặt tay chặt chân, hành hạ đủ kiểu.
**
68.
Việc phát nguyện tu thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác này, chắc chắn, đã từng với con từ nhiều đời trước, nên kiếp này, con mới nhớ ra và hành trì pháp tu hạnh Đầu Đà một cách nghiêm mật.
**
69.
Con nhớ ra, con đã từng hành trì như thế này.
**
70.
Con biết rõ con đang ở giai đoạn nào. Con đang ở giai đoạn tập học, tập hành.
**
71.
Việc nhiều người đi theo con, đó cũng là nhân duyên của con và họ.
**
72.
Nhân duyên này cũng có trở ngại và không trở ngại.
**
73.
Trở ngại ở chỗ, có nhiều người đi theo con, con dễ lầm tưởng mình được cung kính, được hâm mộ.
**
74.
Khi nghĩ người ta cung kính, hâm mộ, nên người ta mới đi theo đông như thế, trong tâm con, tất sẽ nảy sinh lòng tham.
**
75.
Tham lớn dần, đi đến tưởng. Con tưởng là con đã đạt được thành tựu to lớn.
**
76.
Ngược lại, việc nhiều người đi theo con không đem đến trở ngại, nếu con nhận ra, đây chính là phép thử lòng tham của con.
**
77.
Khi con biết việc người ta đi theo con là phép thử, và con luôn đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, cũng như hiểu rằng, mình chưa đạt gì cả, chỉ là người xuất gia bình thường, thì phép thử này, hoàn toàn, không gây trở ngại với con.
**
78.
Con luôn tự nhắc mình, con, Minh Tuệ, bộ hành khất thực để rèn luyện, để tu tập, chưa cần và không cần sự kính trọng, sự long trọng của mọi người như thế.
**
79.
Con tu tập ba y một bát, và con chưa có thành tựu gì, con chưa đến mức độ để mọi người long trọng, kính trọng như thế.
**
80.
Con luôn nhắc mình, không nên tham đắm sự cung kính và lợi dưỡng ấy.
**
81.
Cả người kính trọng lẫn người không kính trọng con, con đều đối xử bình đẳng.
**
82.
Người ta có sân hận con, có chửi mắng con, con cũng không vì thế mà ghét bỏ họ.
**
83.
Con luôn giữ tâm bình đẳng.
**
84.
Con tập học buông xả, không tham đắm, cố gắng vượt qua các chướng ngại trên bước đường tu.
**
85.
Cuộc đời, có hai thái cực: yêu và ghét.
**
86.
Chạy theo yêu, sẽ thành tham. Chạy theo ghét, sẽ thành sân.
**
87.
Yêu và ghét sẽ khiến ta dính mắc trong đó. Con tưởng họ ngưỡng mộ con, và đến lúc không rời bỏ được điều này, thì lập tức, con sẽ bị tham chi phối.
**
88.
Ngược lại, khi người ta ghét con, con sẽ có cơ hội rèn luyện khả năng kham nhẫn, chịu đựng, và vượt qua hết thảy các chướng ngại thử thách này.
**
89.
Việc bộ hành, khất thực của con cũng bắt đầu từ nhân duyên. Năm ấy, khi xuất gia, ở chùa một thời gian, con xin ra ngoài. Đêm xuống, con nghỉ lại ở công viên. Một, hai bữa đầu tiên, quản lý công viên làm lơ, nhưng đến các bữa sau, thì họ đuổi. Không có cách nào khác, thế là con cứ thế, đi liên tục. Đi và đi thôi, không nghĩ gì.
**
90.
Lúc quyết định ra khỏi chùa, con vẫn mơ ước hành trì pháp tu khất thực có từ đời Đức Phật. Cho đến nay, con vẫn thắc mắc, tại sao giáo hội lại cấm lối tu khất thực chân chánh này. Nếu cấm, thì chỉ nên cấm những kẻ lợi dụng, mượn danh tu sĩ, để xin tiền, lừa tiền mà thôi.
**
91.
Con quyết định bộ hành, và khất thực mỗi ngày một bữa cơm chay, để chứng minh, đây là một lối tu không sai trái. Không chỉ thế, tu sĩ lại được rèn luyện sức khỏe, rèn luyện cách vượt qua khó khăn, thử thách.
**
92.
Con nhận thấy, cách tu bộ hành, khất thực này, sẽ rèn luyện rất tốt sự tỉnh thức cho người xuất gia.
**
93.
Khi xưa, cứ đến buổi trưa là con buồn ngủ. Bộ hành, khất thực giúp con bỏ được thói quen này.
**
94.
Bộ hành, khất thực còn giúp con gieo duyên trong hoàn cảnh thực tế rất khắc nghiệt: thời tiết mưa nắng thất thường, không tiền, không chùa, cũng như hoàn toàn không biết điều gì đang chờ mình ở phía trước.
**
95.
Với hạnh tu bộ hành và khất thực này, mọi người có thể dễ dàng kiểm chứng việc giữ giới của con ở mọi nơi, mọi lúc.
**
96.
Con ngủ ở nghĩa địa, bụi cây, nhà hoang, con ăn ngày một bữa, con đắp y phấn tảo, là hạnh tu thật của con, không giả tạo, không giả dối.
**
97.
Bộ hành và khất thực giúp con tìm được sự an lạc trong nội tâm mình.
**
98.
Bộ hành và khất thực giúp con tự tin hơn về khả năng kham nhẫn, chịu đựng, rèn luyện cho con hạnh đối xử bình đẳng và từ bi.
**
99.
Bộ hành và khất thực giúp con rèn luyện sự mạnh mẽ, không lo lắng, không sợ hãi, không sợ chết.
Commentaires