top of page

THƠ TÌNH THỨ BẢY NGUYỄN ĐỨC TÙNG 26 DIÊN HỒNG DƯƠNG: TỰ NHIÊN NGHE NHỚ CON RỆP...

  • Writer: ductungducnguyen
    ductungducnguyen
  • Jan 6
  • 6 min read

Sáng nay ngủ dậy, tự nhiên nghe như có rệp cắn khi đọc những comment cho bài thơ mình thích. Đang bình một bài văn xuôi với chủ đề liên quan nghề nghiệp, đành gác lại chút.

À, hôm nay Chủ nhật để bình cái gì cho lạ và độc một chút cho vui nhé!

Vui không đây? Coi chừng buồn mà bình vui thì chiều nay tui phải phone cho giáo sư Bùi Hiền để thọ giáo bí quyết: " Lấy đá ném trộn hồ xây tường thế nào cho chắc? " Hihi...

Nói dông dài quá! Giờ đi tìm cái lạ và độc trong bài " Những con rệp" trong mục "Thơ tình thứ bảy Nguyễn Đức Tùng" :

26. THƠ TÌNH THỨ BẢY NGUYỄN ĐỨC TÙNG

NHỮNG CON RỆP

Ngày thứ hai của tuần trăng mật

Chúng ta ngủ trong một khách sạn rẻ tiền

Những con rệp cắn anh suốt đêm

Bây giờ đây anh nhớ chúng khôn xiết

Khi mỗi lần đi ngang mộ em.

Tại sao bài thơ " Những con rệp " độc và lạ?

Trước hết, bài thơ rất độc và lạ ở đề tài và chủ đề:

Tâm lý và truyền thống thi ca của người Việt thường chuộng cái đẹp cao nhã, thanh tao để đưa vào tác phẩm. Cái lãng mạn kiểu ước lệ, tượng trưng dùng thiên nhiên làm chuẩn cho cái đẹp đã tồn tại nhiều đời, cho đến khi phong trào Thơ mới tằng hắng một âm thanh lạ về trào lưu theo mô hình của Sophocles" Lấy con người làm kiểu mẫu" cho cái đẹp ( ở phương Tây, việc đề cao con người đã xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại trong các bi kịch nhân văn).

Nhiều người mở miệng ra chửi Tàu nhưng họ lại khoái thơ Đường và thi pháp thơ của người ta hơn bất cứ ai. Điều này cũng không lạ, bởi lịch sử VN gần 2000 năm bị cái vòi bạch tuột của Văn hóa Trung Hoa quấn từ đầu đến chân. Thế nên cái gì na ná của văn chương Thịnh Đường mang dấu ấn " nhất khứ bất phục phản" họ đều thấm sâu, đến nổi xem cái của người ta mặc nhiên là của mình trong rất nhiều nét văn hóa và nghệ thuật. Từ chỗ quen đường cũ, gặp cái mới, không cần tư duy, họ luôn tìm cách phản bác. Phản bác giống như kiểu các nhà Nho xưa, cố sửa thơ Đường luật bằng cánh chen câu thơ 6 chữ vào thể thất ngôn hết sức khập khiểng để rồi lại thần thánh hóa dữ hơn, xem thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt... là "Quốc thi" qua nhiều thế kỷ.

Nói thế để hiểu tâm lý chung và để trân trọng những đột phá về nghệ thuật của phong trào Thơ mới và cũng để xác định một thái độ văn hóa trong cách tiếp nhận cái mới.

Dông dài hỉ? Xin lỗi vì lạc đề!

Trở lại bài thơ " Những con rệp" nè:

Nói đến rệp là nói đến con giáp thứ 13 sau 12 con giáp. Hễ ai xui xẻo và gặp nghèo khổ đều tự nhận và than thở: " Số mình là số con rệp". Rệp là loài côn trùng đốt máu và gây phiền hà cho con người trong sinh hoạt hàng ngày. Vai trò truyền bệnh của rệp chưa được xác định một cách rõ ràng. Nhưng rệp đốt người gây cảm giác khó chịu, đặc biệt là mất ngủ vào ban đêm. Câu chuyện thơ đi từ hồi ức mà trong đó " con rệp"- hình tượng nhân chứng của tình yêu xuất hiện rất ấn tượng. Yêu đương thường được thi nhân ca ngợi và đưa vào thơ những vẻ đẹp của mây, gió, trăng... rất thi vị. Ở đây, tác giả lại đưa " rệp" - thứ ôn dịch gây ngứa ngái muốn chết. Rệp cắn rất khó ngủ. Ấy vậy mà hay. Nhờ khó ngủ nên đêm " trăng mật" anh đã thức trọn vẹn. Thức cho cuộc tình chẳng mấy thơ mộng. Không thơ thì cũng là yêu. Yêu trong ngứa ngái và đau đớn lại là một cảm giác mới lạ. Thời mạt rệp thì yêu cũng phải có rệp chứ! Dù có rệp con người ta cũng cố gắng để sống và yêu. Hạnh phúc và đau đớn há chẳng đã từng nhầy nhụa trong đời sống đó sao! Tuyệt diệu là hoàn cảnh mang lại cho ta cái cảm giác nghịch lý: trong nghèo khó nhưng con người có trọn vẹn đêm thức cho tình yêu. Dĩ nhiên là đằng sau những vết rệp cắn còn có những vết hằn trong ký ức về đôi lứa mà nhờ có rệp nó trở nên khắc sâu vào não bộ hình ảnh " đêm trăng mật":

"Ngày thứ hai của tuần trăng mật

Chúng ta ngủ trong một khách sạn rẻ tiền

Những con rệp cắn anh suốt đêm."

Lời tự sự cô đọng. Thông báo cũng rõ ràng. Không cần suy diễn hàm ý, chỉ tưởng tượng hoàn cảnh " đêm yêu ấy " là ta đã phải dở khóc dở cười. Bi hay hài? Nhìn góc nào cũng nghe một nỗi niềm đau đáu xót xa... y như đang bị con rệp cắn vào mình.

Ở đây cũng cần lưu ý : thời gian câu chuyện là "ngày thứ hai" của tuần trăng mật. Hoàn cảnh " Trăng mật" làm rõ thêm nỗi đau trong bài thơ. Đối với người Việt, hôn nhân là một vấn đề có ý nghĩa thiêng liêng. Dù " trăng mật" là tập quán phương Tây, nhưng khi du nhập vào ta thì đã được học hỏi và vận dụng sau nghi lễ hôn nhân để chứng minh cho hạnh phúc của vợ chồng sau khi thành thân. Ngày thứ nhất của trăng mật có lẽ một đêm yên ả và sang trọng. Đến ngày thứ hai thì phải ngủ trong một khách sạn tồi tàn. Cái tồi tàn đến tận cùng là những ổ rệp chăn nệm yêu đương. Lẽ ra ta có thể suy diễn về hàm ý của sự kiện. Nhưng thôi, càng suy diễn càng gây hiểu lầm. Chỉ nói gọn là " Hôn nhân và tình yêu đã trải qua một đêm mạt rệp" sau đêm đầu hạnh phúc. Đau khổ nhầy nhụa, bẩn thỉu đã sớm đến rồi. Hoàn cảnh nghèo túng là nguyên nhân nảy sinh mất ngủ. Thì ra hạnh phúc của hôn nhân ngắn ngủi lắm! Và khi bị rệp cắn con người ta mới phải thức để chiêm nghiệm về cái nghèo và để cảm thông với nó. Nhưng dù nghèo thì cũng vẫn phải yêu và sinh tồn...

Có lẽ nên thoát tục thì bình mới thấu và mới thấy cái hay của bài thơ trong hình tượng " Con rệp".

Khổ thứ hai là một cảnh khác:

" Bây giờ đây anh nhớ chúng khôn xiết

Khi mỗi lần đi ngang mộ em."

Ít lời vô cùng. Nhưng đề tài và chủ đề vẫn hướng về con rệp.

Cách nói rất trữ tình nhưng đầy hài hước. Đi ngang mộ em mà nhớ khôn xiết những con rệp. Nhớ kỳ vậy chời?

À, thì ra ngần ấy năm trời, từ lúc hợp hôn đến khi anh xa em, mối tình của anh đã được đắp mộ rồi, nỗi đau đã hiện hữu bên nấm mồ nhưng con rệp vẫn luôn còn ám ảnh.

Nhớ chúng khôn xiết? Phải chăng là nhớ cái thời nghèo khổ mà hạnh phúc vẫn có? Còn bây chừ? Tìm con rệp không ra nhưng em thì đã xa?

Ôi, bài thơ buồn thật ! Hu hu...

Đọc đoạn hai, tôi mới thấy được cách cấu tứ của nhà thơ là cao tay. Đưa cảm xúc " nhớ khôn xiết" vào hình tượng " con rệp" quả là độc và lạ. Phải sống với cuộc đời nghèo khó một cách thân ái lắm mới viết nổi câu thơ ấy. Tinh tế trong ứng xử mới điểm nhãn được cho bài thơ mộc mạc về ngôn từ những hàm ý đẹp và nhân văn về tình yêu.

Cảm ơn bài " Những con rệp" của nhà thơ Tung Nguyen

Nguyễn Hàn Chung: Nguyễn Đức Tùng ra chiêu " Đưa cảm xúc vào hình tượng " con rệp" quả là độc và lạ ". Diên Hồng chiết giải có những liên tưởng phong phú.trong chiêm nghiệm và bình giá cũng lạ không kém .Cả hai đều khát khao gạt bỏ những hình thứ...See

Diên Hồng Dương

December 9, 2017 FB

コメント


© 2024 by Nguyen Duc Tung

bottom of page